Thứ Năm, 3 tháng 10, 2013

GIAO TIẾP TRONG NHÀ TRƯỜNG

ĐÔI ĐIỀU SUY NGHĨ VỀ
GIÁO DỤC VĂN HÓA GIAO TIẾP TRONG NHÀ TRƯỜNG [1]
Th.s  Trần Đình Thích
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Không gian văn hóa học đường vốn là không gian văn hóa trong lành, đẹp đẽ, ấy vậy mà lâu nay đang bị ô nhiễm, bị vẩn đục bởi những vết nhơ được thải ra từ một số phần tử thoái hóa phát sinh chính ngay trong nhà trường. Chúng ta vẫn chưa hết bàng hoàng khi chứng kiến cảnh sinh viên xông thẳng vào văn phòng bộ môn ngoại ngữ Đại học Cần Thơ rượt đuổi đâm chém thầy cô. Rồi lại phải đau lòng trước cảnh sinh  viên tạt cả thau a xít vào người thầy giáo ngay trên bục giảng tại trường Đại học Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh cách đây không lâu. Những chuyện “động trời” ấy đã làm cho truyền thống “Tôn sư trọng đạo”cao quí của dân tộc bị tổn thương nghiêm trọng. Nỗi đau này không của riêng ai, nhưng đặc biệt với những người làm công tác trong ngành giáo dục và đào tạo thì lại càng nhức nhối hơn. Hơn bao giờ hết, vấn đề kỉ cương, tình thương, trách nhiệm trong nhà trường càng phải được đặc biệt coi trọng và quan tâm đúng mức. Trước “những điều trông thấy mà đau đớn lòng ấy” chúng tôi xin bày tỏ : Đôi điều suy nghĩ về giáo dục văn hóa giao tiếp trong nhà trường.
II. NỘI DUNG
1. Khái niệm văn hóa giao tiếp, đạo đức học đường, văn hóa học đường.
Tìm ra một định nghĩa minh bạch cho một khái niệm thuộc lĩnh vực khoa học xã hội& nhân văn quả là rất khó. Ở đây chỉ có thể đưa ra cái gọi là định nghĩa ấy thay bằng quan niệm của mỗi người.
- Văn hóa giao tiếp là một bộ phận trong tổng thể văn hóa nhằm chỉ quan hệ giao tiếp có văn hóa của mỗi người trong xã hội (giao tiếp một cách lịch sự, thái độ thân thiện, cởi mở, chân thành, thể hiện sự tôn trọng nhau), là tổ hợp của các thành tố: lời nói, cử chỉ, hành vi, thái độ, cách ứng xử…
- Đạo đức học đường là một khái niệm thuộc phạm trù đạo đức, nhằm hướng đến việc giáo dục đạo đức, tư tưởng, tình cảm trong sáng, tốt đẹp cho HS trong nhà trường, hướng đến những giá trị nhân văn cao quí của con người: (Tình nghìa thầy- trò: “Tôn sư trọng đạo”,Tiên học lễ, hậu học văn”, tình nghĩa gia đình: “Công cha như núi Thái sơn. Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”, tình cảm bạn bè, tình người trong cuộc sống “Lá lành đùm lá rách. Thương người như thể thương thân”…)
- Văn hóa học đường là không gian văn hóa bao trùm toàn bộ mọi hoạt động phong phú, đa dạng trong nhà trường.( hoạt động dạy- học, các sinh hoạt vui chơi, giải trí…) Tất cả mọi hoạt động đều đảm bảo những chuẩn mực văn hóa trong nhà trường.
Văn hóa giao tiếp, đạo đức học đường là những bộ phận trong văn hóa học đường. Giữa các bộ phận đều có quan hệ gắn bó với nhau.
2. Mục tiêu của giáo dục văn hóa giao tiếp trong nhà trường.
Giáo dục văn hóa giao tiếp trong nhà trường nhằm hướng tới các mục đích là:
- Giúp cho mọi thế hệ học sinh (HS), sinh viên (SV) có được nhận thức đúng để có hành vi đẹp về ứng xử, giao tiếp với nhau trong học tập, sinh hoạt ở tất cả mọi môi trường xã hội khác nhau. Thông qua văn hóa giao tiếp giúp cho mỗi người gần gũi thân thiện, hòa hợp với nhau, có sự đồng cảm, chia sẻ, từ đó làm cho quan hệ giữa người với người trở nên tốt đẹp hơn “Người yêu người sống để yêu nhau” (Tố Hữu) và nâng cao được ý thức cộng đồng cho mỗi người.
- Đích cuối cùng là phải làm cho văn hóa học đường thật sự tốt đẹp, xây dựng được môi trường văn hóa lành mạnh, trong sáng, đẹp đẽ, đầy tính nhân văn, có sức cảm hóa, sức lan tỏa sâu rộng trong xã hội, từ đó góp phần hình thành, phát triển nhân cách con người mới XHCN Việt Nam.
3. Văn hóa giao tiếp từ truyền thống đến hiện đại.
3.1. Từ truyền thống.
Văn hóa giao tiếp truyền thống của chúng ta được chảy từ trong nguồn mạch của gốc văn hóa nông nghiệp trọng tình, vì vậy trong giao tiếp, cũng như trong cách ứng xử, xưa cũng như nay chúng ta luôn lấy chữ tình, chữ nghĩa làm trọng, xem “lời chào cao hơn mâm cỗ”. Điều này thể hiện rõ ràng, dứt khoát quan niệm của ông bà ta xưa là rất coi trọng văn hóa giao tiếp bởi đó là nhu cầu không thể thiếu với mỗi người.Trong cuộc sống, mỗi người cần đến sự quan tâm, thăm hỏi, động viên nhau, đến với nhau vì tình, vì nghĩa và để thắt chặt thêm, gắn bó hơn quan hệ tình cảm. Trong giao tiếp thể hiện thái độ trọng thị, chân thành. Coi trọng phép tắc nhưng không nghi lễ, hình thức rờm rà. Điều đó cho thấy được bản chất tốt đẹp trong văn hóa giao tiếp của chúng ta. Chính nhờ bản chất đó mà đã nuôi dưỡng được những giá trị tinh thần cao quí trong tâm hồn mỗi người Việt Nam chân chính.  Có những khái niệm xưa nhưng không vẫn rất quen thuộc với khẩu vị của người Việt Nam chúng ta như: Thuần phong, mĩ tục; tiên học lễ, hậu học văn; lời chào cao hơn mâm cỗ; tôn sư trọng đạo; công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy…Đó là những khái niệm chứa đựng những giá trị văn hóa, nhân văn cao quí luôn được mọi người coi trọng và ra sức gìn giữ, phát triển.
3.2. Đến hiện đại.
Nhìn chung, những giá trị văn hóa truyền thống cho đến nay cơ bản vẫn còn được lưu giữ và tiếp tục phát triển. Tuy nhiên trong thời đại ngày nay do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan cho nên đã làm cho một số giá trị văn hóa truyền thống bị phai nhạt, thậm chí bị rạn nứt, đổ vỡ. Trong phạm vi nhà trường có những vấn đề không chỉ làm đau lòng người trong cuộc mà còn gây nỗi bất bình, lo lắng cho cả xã hội. Mọi người chắc phải rùng mình và hết sức kinh ngạc khi chứng kiến hoặc hay tin cảnh SV cầm dao rượt đuổi, đâm chém thầy, cô tại văn phòng, rồi cảnh SV đang tâm tạt a xít vào mặt thầy giáo ngay trên bục giảng. Thật đau xót và khó hiểu nổi với cách ứng xử đầy tính bạo lực theo kiểu xã hội đen của một số phần tử SV có chữthiếu nghĩa ấy trong mái trường Đại học. Ngược lại cũng không phải ít những trường hợp thầy, cô giáo có những cách hành xử phản giáo dục đối với HS như bán điểm mua tình hay những hình phạt quá khắt khe…. Chỉ mới đơn cử vài trong muôn vàn trường hợp tiêu cực đa dạng từ trước tới nay ở trong phạm vi trường học để thấy rằng tình hình đạo đức văn hóa học đường đang có vấn đề và cần phải tìm ra nguyên nhân “bệnh hoạn” để có phương pháp chữa trị.
Mọi thiếu sót, yêú kém hay sai phạm trong lĩnh vực nào cũng đều có nguyên nhân chủ quan và khách quan.
* Về khách quan: Cũng như mọi lĩnh vực khác trong xã hội, văn hóa học đường cũng bị chi phối bởi những qui luật phát triển của thời đại. Người ta thường qui về một số nguyên nhân chủ yếu như: do mặt trái của kinh tế thị trường, do tác động của khoa học công nghệ, do văn hóa phẩm không lành mạnh, do chủ nghĩa thực dụng phương tây…Rõ ràng tất cả những do “của lạ” ấy đều có sức hấp dẫn, có sức lôi kéo đối với mọi người, nhất là đối với giới trẻ, đối với những người thiếu bản lĩnh. Nếu không có sức đề kháng tốt thì việc bị “vi rút” độc hại xâm nhập, gây bệnh hoạn, tàn phá cơ thể là điều hiển nhiên.
* Về chủ quan: Nhìn thẳng vào sự thật, chúng ta không ngần ngại nói rằng do nhận thức vấn đề chưa đúng, do chưa được mọi người quan tâm đúng mức nên ý thức xây dựng môi trường văn hóa giao tiếp, đạo đức học đường, văn hóa học đường chưa cao.Vấn đề tổ chức, quản lí, giáo dục chưa tốt. Nhà trường rất coi trọng việc trang bị kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ mà lại quá xem nhẹ thậm chí bỏ qua việc giáo dục văn hóa học đường.
Thực tế cho thấy, lâu nay chúng ta rất coi trọng và chừng mực nào đấy đã làm tốt việc dạy chữ, nhưng việc dạy người là chưa tốt. Hậu quả của việc dạy người chưa tốt ấy là những chuyện phi giáo dục đã được các phương tiện thông tin đại chúng nêu rõ, thật đáng buồn, đáng lo. Trong các nhà trường từ phổ thông đến đại học, thử hỏi đã có trường nào thực hiện tốt khẩu hiệu, cũng là phương châm giáo dục mà tiền nhân đã nêu ra từ xưa, mới đây lại được ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến nghị trong dịp khai giảng năm học 2009- 2010 là “Tiên học lễ, hậu học văn”.Thử hỏi chúng ta đã thực sự coi trọng và làm tốt học lễ trước rồi mới học văn hay đã làm ngược lại. Vấn đề “tiên học lễ” đã  bị xem nhẹ, thậm chí có nơi, có lúc vô tình bị lãng quên. Hình như có nhận thức “Tiên học lễ” là dành cho các bậc học ở mẫu giáo, phổ thông còn lên đến bậc cao đẳng, đại học thì xem như đã hoàn thành chương trình học lễ nên chỉ tập trung cho việc học văn.(kiến thức thuần túy) Bởi vậy khẩu hiệu “ Tiên học lễ, hậu học văn” đã được các lớp đàn anh “ưu tiên, nhường” hết cả cho các lớp đàn em. Chính sự nhường nhịn ấy mà các anh không được bồi dưỡng thành ra trở nên bệnh hoạn. Rõ ràng những ca bệnh trọng, nguy hiểm gây lo ngại cho xã hội là từ các anh vốn tự cho là đã được “miễn dịch”.
Hậu quả của việc quá coi trọng kiến thức, nhẹ đạo nghĩa cho nên con người thiếu hàng loạt những phẩm chất làm người, thiếu cảm xúc, thờ ơ lạnh nhạt trước nỗi bất hạnh của người khác, thiếu dũng khí đấu tranh trước mọi bất công, nhìn đời bằng con mắt vị lợi. Vì thế để đạt được mục đích riêng của mình, họ đã bằng mọi cách, mọi giá, sẵn sàng hành động một cách liều lĩnh, mặc dù biết đó là những việc làm sai trái, vi phạm đạo đức, pháp luật. Trong nhà trường tại sao lại xảy ra nào là những chuyện bạo lực, chuyện gian dối trong thi cử, chuyện bằng thật, học giả, chuyện đua nhau mở các trường đại học khi chưa có đủ điều kiện, hay là hình thức kinh doanh và bệnh thành tích trong giáo dục…? Lỗi đã rõ. Có lỗi bề nổi dễ xác định sự việc, con người. Chẳng hạn việc SV đâm chém, tạt axit vào thầy cô thì quá rõ, mọi người biết được ngay thời gian, địa điểm, con người gây ra sự việc. Nguyên nhân cũng có thể xác định là do quá nông nổi, quá giận mất khôn, hay mâu thuẫn cá nhân. Thế nhưng có lỗi chìm sâu khó xác định con người, sự việc. Chẳng hạn bệnh thành tích, chuyện bằng thật, học giả thì gốc vấn đề là do đâu? Hay chuyện ào ạt mở các trường đại học khi chưa đủ điều kiện. Mở trường vì mục đích nâng cao dân trí hay vì mục đích lợi nhuận về mặt kinh tế, một hình thức kinh doanh trong giáo dục, nặng, nhẹ bên nào? Cơ quan, cá nhân nào chịu trách nhiệm về vấn đề này có biết không? Những việc lớn như vậy lẽ nào không thấy, không biết, ai cho phép làm, ai chịu trách nhiệm? Quả là cả hệ thống vấn đề không đơn thuần, đơn phương, đơn giản mà rất phức tạp.Vấn đề là phải tìm được nguồn gốc và bản chất sâu xa của nó để có biện pháp ngăn chặn kịp thời từ đó mở ra hướng đi đúng trong giáo dục.
4. Xây dựng một môi trường văn hóa giao tiếp sư phạm đặc trưng
Phải có một môi trường văn hóa giao tiếp sư phạm đặc trưng bởi trường Sư phạm là trường dạy nghề, trường mang  tính mô phạm, qui phạm nhất. Vì vậy phải xây dựng được những chuẩn mực về văn hóa giao tiếp trong chương trình đào tạo. Trường Sư phạm cần có môn dạy về văn hóa giao tiếp bởi đây được xem như “cửa ngõ” vào đời, là môn trang bị kiến thức mặt bằng văn hóa giao tiếp, môn học làm người đầu tiên để sau đó đi sâu vào các vấn đề thiết yếu khác như: đạo đức học đường, văn hóa học đường …Đây là những vấn đề thuộc “tiên học lễ”. Để thực thi tốt mục tiêu, nhiệm vụ môn học, trường Sư phạm phải nghiên cứu, trình bày được các luận chứng khoa học và phương án giải guyết các vấn đề:
* Về chương trình
Phải thiết kế được chương trình đào tạo. Xác định rõ  mục tiêu, nội dung, đối tượng, phương pháp và kế hoạch dạy- học thật cụ thể. Chương trình phải xuất phát từ chiến lược đào tạo con người mới XHCN Việt Nam “đức –tài”, “hồngchuyên”.Chú ý các vế trước “đức, hồng”. Đồng thời phải xuất phát từ thực tiễn văn hóa học đường của chúng ta lâu nay và việc tiếp thu những giá trị văn hóa tiên tiến của thế giới, đặc biệt phải biết kế thừa những di sản văn hóa truyền thống nhằm giữ vững bản sắc văn hóa dân tộc.
* Về nội dung
- Chương trình phải có nội dung thật phong phú, hấp dẫn. Đó là những bài học giao tiếp đa chiều giữa nhiều đối tượng (SV- GV, SV- SV, GV- GV, SV- CB NV và ngược lại), giao tiếp trong nhiều môi trường ( trong lớp, ngoài lớp, trong trường, ngoài trường…), trong nhiều hình thức dạy học (chính khóa, ngoại khóa, sinh hoạt câu lạc bộ…) với những cách thức, tình huống ứng xử sư phạm khác nhau…Quan hệ giao tiếp và ứng xử sư phạm giữa GV và SV trong quá trình dạy học cần lưu ý là có sự điều chỉnh giữa các phương diện: Về mặt đạo lí phải giữ phép “tôn sư trọng đạo”. Nhưng về mặt khoa học cần thể hiện tính dân chủ bình đẳng để cùng nhau trao đổi, tranh luận trong những vấn đề chuyên môn, học thuật nhằm rèn luyện năng lực tư duy độc lập, tạo tính năng động, sáng tạo cho SV để không bị gò bó, trói buộc, lệ thuộc, chấp nhận một cách khiên cưỡng, từ đó làm cho quan hệ giữa GV và SV trở nên gần gũi, thân thiết, hòa đồng, vừa thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau, đồng thời qua đó cũng thể hiện được sự gắn bó giữa truyền thống và hiện đại.
- Chương trình phải xây dựng được chuẩn văn hóa giao tiếp và hình thành được thói quen giao tiếp có văn hóa cho SV. Ông bà ta xưa đã từng dạy rất kĩ lượng là “học ăn, học nói, học gói, học mở”. Từ lời ăn, tiếng nói, hệ thống nghi thức lời nói phải giản dị, trong sáng, dễ hiểu phù hợp với từng đối tượng. Phải có ý thức cẩn trọng, nghĩ suy kĩ lượng khi giao tiếp, biết chọn lời hay, ý đẹp làm cho lời nói có giá trị “gói vàng”. Nghìa là văn hóa giao tiếp trong nhà trường sư phạm phải đạt được tính thẩm mĩ. Phải qua chương trình giao tiếp sư phạm, làm cho SV có thái độ thẩm mĩ và trách nhiệm đối với lời nói và hành động. Nhà trường phải dạy cho SV hiểu rằng lời nói hay, lời nói đẹp là biểu hiện vẻ đẹp tâm hồn của con người. Lời nói có giá trị được chắt lọc từ tâm hồn trong sáng, nhân hậu của con người có văn hóa.
- Trong môi trường sư phạm, cần chống những lối nói thô tục, suồng sã, những thái độ, hành vi gây phản cảm có lúc xúc phạm đến người khác. Đồng thời cũng nên tránh những lối giao tiếp hoa mĩ, cầu kì. Phải dạy cho HS, SV biết xúc cảm, đồng cảm, chia sẻ, có ý thức trách nhiệm trong công việc. Phải biết tôn trọng và có ý thức giữ gìn bảo vệ những giá trị của “ chân, thiện, mĩ”, đồng thời kiên quyết chống lại tất cả những gì phản lại “chân, thiện, mĩ”.
Trong thời đại ngày nay, việc mở rộng quan hệ giao lưu, hợp tác, hòa nhập với thế giới bên ngoài là một tất yếu. Trong cuộc giao lưu ấy phải biết “gạn đục khơi trong” để chắt lọc được những tinh hoa văn hóa nhân loại, bổ sung, làm phong phú thêm cho truyền thống văn hóa dân tộc. Cho dù thế giới có hiện đại, có tân tiến bao nhiêu chăng nữa thì chúng ta cũng phải giữ vững được cốt cách, bản lĩnh, bản sắc Việt Nam trong văn hóa giao tiếp, vẫn hết sức coi trọng những giá trị văn hóa truyền thống.
5. Trách nhiệm của nhà trường và giáo viên
- Giáo dục văn hóa giao tiếp trong nhà trường không nên chỉ bó hẹp trong phạm vi nhà trường (tất nhiên nhà trường chịu trách nhiệm chính) mà còn phải mở rộng phạm vi từ gia đình đến xã hội. Ngay từ nhỏ, gia đình đã có vai trò rất lớn trong việc hình thành văn hóa giao tiếp cho con cháu. Ông, bà, cha mẹ là những thầy cô giáo đầu tiên hướng dẫn cách giao tiếp có văn hóa cho con, cháu (đi chào, về hỏi, gọi dạ, bảo vâng một cách có lễ phép). Bài học vào đời ấy sẽ được tiếp tục củng cố và phát triển thêm với những nội dung phong phú, mức độ cao hơn ở các bậc học tiếp theo. Phải thấy rằng giáo dục văn hóa giao tiếp là không hề giới hạn bởi cấp học nào, bởi thời gian, không gian nào mà cần phải được tiến hành ở tất cả các bậc học, ở mọi lúc, mọi nơi, phải tiến hành một cách đồng bộ, nhất quán, tiến hành có nội dung, có kế hoạch, có phương pháp và thật kiên trì thì mới có hiệu quả. Nếu thiếu nhất quán sẽ xảy ra tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” thì sẽ phản tác dụng. Không thiếu trường hợp ở nhà, ở trường thì “con ngoan, trò giỏi”, ra ngoài xã hội lại vi phạm đạo đức, pháp luật. Phải chăng đó một phần là do tình trạng giáo dục không đồng bộ, nhất quán, thiếu sự giám sát chặt chẽ. Vì vậy sự liên kết, phối hợp trong giáo dục là rất quan trọng.
-  Cần hết sức chú ý và coi trọng đúng mức đến vai trò của người giáo viên ớ tất cả các bậc học, các môn học. Không được “ủy quyền” toàn bộ cho GV ở những môn học có ưu thế hơn như: Giáo dục công dân ở phổ thông, hay Tâm lí học, Giáo dục học ở trường Sư phạm. Đành rằng ở các môn học đó có phần ưu thế, nhưng nếu chỉ phó thác toàn bộ cho họ mà thiếu sự đồng tâm, hiệp lực của nhiều GV của nhiều môn học khác nũa thì chắc chắn kết quả sẽ không cao. Tuy nhiên cũng phải thấy đươc ưu thế của các môn học đó và các môn thuộc ngành khoa học xã hội & nhân văn khác  như Cơ sở văn hóa Việt Nam, như Mĩ học…để có phương pháp khai thác hiệu quả.
- Giáo viên là người trực tiếp thực thi nhiệm vụ cao quí “vì lợi ích trăm năm trồng người” cho xã hội. Vì vậy người giáo viên trước hết phải là người hoàn hảo nhất về tất cả mọi phương diện, là “tấm gương sáng” cho học sinh soi vào. Trong vấn đề giáo dục văn hóa giao tiếp, đạo đức học đường, văn hóa học đường cho HS, SV thì bộ mặt văn hóa tinh thần của GV phải thật sáng sủa ( tư tưởng, đạo đức, tâm hồn, tình cảm…trong sáng ). Rõ ràng muốn dạy người khác làm người thì trước hết người dạy phải là CON NGƯỜI - con người chân chính, con người có nhân cách tốt. Trong giáo dục, nhân cách của người thầy có ảnh hưởng rất lớn đến HS,SV. “Tôn sư trọng đạo” sẽ giảm khi người thầy “có vấn đề”. Chỉ cần khiếm khuyết một trong những vấn đề thuộc về đạo đức, nhân cách của người thầy, hiệu quả của giáo dục sẽ bị giảm sút, thậm chí không có kết quả, phản tác dụng: tư tưởng (lệch lạc, bảo thủ, cá nhân), lối sống (bê tha, buông tuồng), tư cách (không đứng đắn)…hoặc thiếu tâm huyết với nghề, chỉ coi nghề dạy học là nghề phụ mà nghề chính là các phương tiện kiếm sống khác, hay  thầy chưa thể “tất cả vì học sinh thân yêu”…đều là những điều phản cảm trong giáo dục.
Nếu cách cư xử của giáo viên trên lớp cũng như ngoài lớp luôn luôn được cân nhắc thận trọng trước sau như một thì hiệu quả giáo dục sẽ rất cao. HS, SV luôn  “theo dõi”, giám sát, học tập thầy cô ở tất cả mọi phương diện trong cuộc sống.
Nếu dạy chữ, dạy kiến thức là thuần trí tuệ thì thì dạy lễ, dạy nghĩa lại cần đến cả trái tim, tâm hồn, tình cảm, dạy bằng cả nhân cách của chính mình.
Nhà trường phải giáo dục cho HS ý thức tự giác, tự nguyện làm theo những chuẩn mực của cái đẹp, từ lời ăn, tiếng nói, tác phong trong sinh hoạt đến lối sống đều hướng đến những “chân, thiện, mĩ”.
Tóm lại, giáo dục văn hóa giao tiếp, đạo đức học đường, văn hóa học đường là nhằm xây dựng không gian văn hóa học đường thật sự trong lành, tốt đẹp có sức cảm hóa, sức hấp dẫn, sức lan tỏa để đẩy lùi, tiến tới tiêu diệt những cái phi văn hóa từ trong nhà trường đến ngoài xã hội. Để thực hiện được mục tiêu cao quí đó, đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ trên tinh thần cộng đồng trách nhiệm cao và sự quyết tâm, bền chí giữa gia đình, nhà trường và các tổ chức xã hội khác, trong đó vai trò của nhà trường, đặc biệt nhiệm vụ của giáo viên là cực kì to lớn.
Nguồn trích: http://se.ctu.edu.vn/bmnv/index.php?option=com_content&view=article&id=182:oi-iu-suy-ngh-v-giao-dc-vn-hoa-giao-tip-trong-nha-trng&catid=48:khoa-hc-giao-dc-nghip-v-s-phm&Itemid=75

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét