Bảo tồn và phát huy VHDG là công việc có nhiều công đoạn, đòi hỏi phải tốn nhiều thời gian, công sức của toàn xã hội. Nhưng trước khi bàn đến việc chuyển đổi chức năng, vị trí và hình thức của VHDG, phải cấp bách tổ chức một cuộc sưu tầm quy mô, nhằm sưu tầm tất cả những hoạt động, biểu hiện, hiện tượng mà ngày nay còn có thể sưu tầm được bằng phương tiện hiện đại, rồi tập trung chúng lại dưới dạng ngân hàng lưu trữ tư liệu, làm cơ sở cho các bước tiếp theo. Nếu không có cơ sở này, công việc bảo tồn và phát huy sẽ khó thực hiện và chúng ta, những người của thế hệ hôm nay phải chịu trách nhiệm về việc này trước hậu thế. | ||
1. Mỗi dân tộc đều có một nền văn hoá riêng. Văn hoá là cái không có sẵn trong trời đất mà do con người sáng tạo trong quá trình ứng xử với thiên nhiên với đồng loại cũng như trong quá trình nhận thức. Mọi người đều thống nhứt chia văn hoá dân tộc ra hai loại: văn hoá chánh qui/bác học và văn hoá bình dân/dân gian. Phạm vi văn hoá dân gian (VHDG) bao gồm toàn bộ các phong tục tập quán thể hiện trong lối sống, trong mối quan hệ của con người với nhau, với tổ tiên, với các lực lượng siêu nhiên mà họ tin tưởng; gồm toàn bộ tri thức liên quan đến hoạt động sản xuất ra của cải vật chất phục vụ cuộc sống (ăn - ở - mặc, chữa bịnh…); bao gồm các loại hình văn hoá ngôn từ truyền miệng và nghệ thuật diễn xướng, hội hè đình đám… Tác giả của nó là lớp nông dân, bình dân ít học. Mỗi loại hình hoặc từng đơn vị của nó đều ra đời trong một hoàn cảnh lịch sử - xã hội nhứt định, trên một địa phương cụ thể; sự hình thành của nó cũng có khi là cả một quá trình, nhưng vẫn diễn ra trong xã hội nông nghiệp truyền thống, với các thuộc tính của nó. Sau khi hình thành, VHDG lan toả, giao lưu với người anh em ở các vùng/miền khác dưới sự tác động của tình hình lịch sử - xã hội liên tục thay đổi.
Như vậy, VHDG là một bộ phận không thể tách rời của văn hoá mỗi quốc gia, dân tộc. Nó đã khẳng định bản sắc cụ thể của từng dân tộc, của từng vùng/miền, là căn cước của mỗi dân tộc, làm cơ sở để một dân tộc hoà nhập với cộng đồng nhân loại mà không tự đánh mất mình. Trong xã hội hiện đại, di sản văn hoá, trong đó có VHDG, được quan niệm không phải như những biểu hiện hoài niệm quá khứ, mà là một lực cố kết cộng đồng trong cuộc đấu tranh vì sự tồn vong và phát triển. VHDG còn là bảng tổng kết kinh nghiệm sống bao đời để lại; nó chẳng những có giá trị về mặt tinh thần, lịch sử, nghệ thuật, ứng xử, giáo dục… mà còn có giá trị về kinh tế, nếu chúng ta biết sử dụng khai thác.
2. Điều kiện tự nhiên, môi trường, khí hậu… là tác nhân chính đưa đến sự hình thành nhiều khu vực, vùng miền VHDG khác nhau. Nằm trong vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), đương nhiên VHDG ở Đồng Tháp phải mang đặc điểm của vùng sông nước này. Thêm vào đó, Đồng Tháp bị sông Tiền chia làm hai mảng, mảng Bắc sông lại nằm trong vùng trũng Đồng Tháp Mười (ĐTM), có sinh thái đặc biệt với sình lầy cùng rừng tràm và lau sậy.
Thế nên vào thế kỷ XVII, XVIII, khi lưu dân người Vịêt vào đây, nhiều người tập trung khai thác vùng phía Nam sông trước, hoặc nếu có đến vùng Bắc sông cũng quan tâm khai thác vùng ven sông Tiền, rồi qua các thế hệ sau mới từng bước tiến vào nội đồng.
Để phục vụ cuộc sống, mấy trăm năm qua, con người ở đây tác động vào thiên nhiên, quan hệ với nhau trong điều kiện lịch sử - xã hội của địa phương và của cả nước... để lại đến nay một kho tàng văn hoá, một di sản văn hoá phong phú, đa dạng không kém gì các tỉnh lân cận. Bên cạnh các yếu tố chung của vùng ĐBSCL, do điều kiện vị trí địa lý và môi trường tự nhiên đặc bịêt tác động nên VHDG Đồng Tháp còn có một số nét riêng, thể hiện rất rõ trong từng lãnh vực.
Ở Nhựt, người ta gọi di sản văn hoá là tài sản văn hoá, vừa có ý nghĩa quý hiếm về giá trị tinh thần vừa có ý nghĩa vốn liếng sinh lợi cho con người về mặt kinh tế. Di sản này thuộc loại tiềm ẩn trong dân gian. Muốn nhận diện, nắm bắt cụ thể, phải có quá trình khảo sát nghiên cứu khoa học, có tổ chức, đòi hỏi tốn kém nhiều công sức và thời gian.
Trong thời gian qua, tại Đồng Tháp có một số công trình sưu tầm biên khảo về VHDG, bên cạnh những công trình sử dụng kinh phí nhà nước, có không ít công trình là công sức cá nhân. Theo thời gian, lần lượt xuất hiện:
- Giai thoại Dân gian Đồng Tháp Mười của Nguyễn Hữu Hiếu (1988) gồm 43 truyện kể gồm các truyền thuyết, giai thoại về đất nước, con người vùng ĐTM.
- Ca dao Đồng Tháp Mười (1988) do Nhóm tác giả thuộc Trường Cao đẳng Sư phạm Đồng Tháp sưu tầm, biên soạn với hơn 2000 câu ca dao ca ngợi tình yêu quê hương, đôi lứa, gia đình cùng các mối quan hệ xã hội khác.
- Dân ca Đồng Tháp (1994) do tỉnh chủ trương, Lê Giang - Lư Nhất Vũ chủ biên, gồm: hát đưa em (15 bài), hát huê tình (5 bài), hò huê tình (10 bài), hò cấy (22 bài), hò khoan (4 bài), các điệu lý (80 bài), nói thơ (4 bài), hát đồng dao (20 bài), hát bóng rỗi (1bài), vè (30 bài), thơ rơi (3 bài).
- Thơ văn Đồng Tháp tập I (1986) do tỉnh chủ trương, Nhóm tác giả (giáo sư Lê Trí Viễn chủ biên) thuộc Trường Đại học Sư phạm TP.HCM và Trường Cao đẳng Sư phạm Đồng Tháp thực hiện, gồm truyền thuyết với truyện cổ (16), cổ tích (11), truyện cười (13), câu đố (6 loại, trên 300 câu), vè về chim muông (5 ), vè thế sự (18), ca dao, dân ca (bốn loại: tình yêu quê hương đất nước, tình yêu đôi lứa, tình cảm gia đình, các mối quan hệ xã hội khác, gần 1500 câu).
- Làng hoa Tân Quy Đồng Sa Đéc của Lê Kim Hoàng (1993); sách khổ bỏ túi, ghi nhận lịch sử hình thành làng nghề cùng kỹ thuật ghép, lai tạo, trồng một số hoa kỉêng.
- Văn hoá Dân gian Đồng Tháp, tập 1 (2005) của nhiều tác giả gồm 32 bài về đất nước con người, tín ngưỡng dân gian, nghề truyền thống và ẩm thực.
- Truyền thuyết Thiên hộ Dương, Đốc binh Kiều của Nguyễn Hữu Hiếu (2006) gồm 27 bài với nội dung ca ngợi, truyền tụng thành tích chiến đấu, tấm gương hy sinh của Võ Duy Dương và Nguyễn Tấn Kiều.
- Văn hoá dân gian vùng Đồng Tháp Mười (2007) của Nguyễn Hữu Hiếu, dày 340 trang, gồm sáu chương. Chương mở đầu nói về điều kiện tự nhiên và tên gọi ĐTM; chương hai nói về di tích văn hóa lịch sử (15), chương ba: Nhân vật (10), chương bốn: Đời sống vật chất, gồm các nội dung: hoạt động khai thác lâm thủy sản, hoạt động canh tác, ẩm thực, cư trú và phương tiện di chuyển; chương năm: Đời sống tâm linh, với các nội dung: Đình làng, tục thờ Bà chúa xứ, ông Tà, Cúng việc lề, chương sáu: Văn học với truyền thuyết (20) và văn vần với ca dao, hò, vè, hát bóng rỗi, thơ rơi (mỗi thể loại một vài bài).
- Sự hình thành và phát triển làng đóng xuồng ghe Long Hậu của Ts. Ngô Văn Bé (2008). Sách dày 60 trang, nội dung đề cập đến sự hình thành làng nghề cùng kỹ thuật, kiểu dáng một số loại ghe xuồng và tín ngưõng tâm linh của làng.
-Nghề cá Đồng Tháp Mười năm xưa của Nguyễn Hữu Hiếu (2010) với nội dung gồm sáu mục. Mục một, giới thiệu điều kiện tự nhiên của vùng ĐTM. Mục hai, mô tả 33 ngư cụ và cách đánh bắt cá trong mùa khô và mùa nước lên. Mục ba, lược thuật chánh sách đối với nông dân khai thác cá qua các thời kỳ. Mục bốn, trình bày một số nghề thủ công với con cá. Mục năm, các món ăn chế biến từ cá tôm. Mục cuối cùng đề cập đến đời sống tâm linh của những người khai thác cá.
Gần đây, có một số luận văn tốt nghiệp đại học và sau đại học, khai thác một số đề tài trong nguồn VHDG Đồng Tháp, cụ thể như:
+ Luận văn Cử nhân, có:
- Đặc điểm Truyền thuyết Dân gian Đồng Tháp của Hoàng Thị Hà (2007);
- Bước đầu tìm hiểu về Đình làng ở Đồng Tháp của Nguyễn Thị Mỹ (2009);
-Tìm hiểu lịch sử hình thành và phát triển Làng Hoa kiểng Tân Quy Đông - Sa Đéc của Nguyễn Thị Hồng Phượng (2009);
- Tìm hiểu về tín ngưỡng Bà Chúa xứ của Lê Thị Ngọc Phượng và Phạm Quang Trang Liễu (2010)...
+ Luận văn Thạc sĩ, có:
- Tín ngưỡng dân gian của người Kinh ở thành phố Cao Lãnh của Nguyễn Thuận Quý (2010);
- Làng nghề Hoa kiểng Sa Đéc của Nguyễn Thị Thúy Ngọc (2010);
- Đình làng vùng Đồng Tháp Mười của Nguyễn Quang Trình (2010);
- Ngư cụ của nông dân Đồng Tháp từ thế kỷ XVII - thế kỷ XX của Đường Tiến Nhanh (2011);
- Đình làng ở huyện Cao Lãnh của Trần Văn Chín (2011);
- Nghề cá Đồng Tháp Mười của Tăng Trung Nghĩa (2011)...
Ngoài ra, còn nhiều bài báo, bài viết đã đăng tải trên các báo, trang web về ngành nghề truyền thống, tín ngưỡng dân gian, ẩm thực... dưới dạng giới thiệu quảng bá du lịch hơn là nghiên cứu chuyên sâu.
Có thể nói, toàn bộ các công trình trên chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, những điều đã khám phá, phát hiện được không thấm vào đâu với cả kho tàng, trong đó chưa đựng biết bao nhiêu tri thức dân gian quý báu, hết sức cần thiết cho cuộc sống hôm nay. Không phải ngẫu nhiên mà Hội nghị thượng đỉnh thế giới về phát triển thế giới năm 1995, đã khẳng định: Các nhân tố văn hoá là những điều kiện thiết yếu cho sự phát triển bền vững và trở thành một phần không thể tách rời của chiến lược phát triển (1).
3. Việt Nam hiện nay là thành viên của nhiều tổ chức thế giới và uy tín trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Để có thể hội nhập và phát triển trong bối cảnh toàn cầu hoá, những nước chậm phát triển như Việt Nam phải bước vào con đường công nghiệp hoá - hiện đại hoá. Ở Việt Nam, quá trình này không chỉ diễn ra ở thành thị mà còn ở cả nông thôn, cái nôi sản sinh ra VHDG. Sự thay đổi nhanh chóng của xã hội đặt văn hoá cổ truyền nói chung, trong đó VHDG trước nguy cơ bị mai một và trên thực tế đã có một vài loại hình VHDG đã biến mất hoặc đang trên đà biến mất.
Như vậy, đặt ra vấn đề bảo tồn và phát triển di sản VHDG ở đây là một điều hết sức cân thiết và hợp lý. Bảo tồn và phát huy hiện nay là vấn đề thời sự trong lãnh vực văn hoá và hoạt động văn hoá nói chung. Bảo tồn và phát huy nhằm đạt tới sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại; tiên tiến mà vẫn đậm đà bản sắc dân tộc. Nhưng làm sao để kết hợp hai hoạt động thoạt nhìn có vẻ đối chọi nhau là biện pháp không phải dễ tìm, dễ thực hiện.
VHDG là sản phẩm của xã hội nông nghiệp cũ. Trong xã hội đó, mối quan hệ giữa người và người được hình thành một mạng lưới quan hệ và thông qua đó con người xây dựng mối quan hệ với thiên nhiên và với lịch sử cộng đồng, được huyền thọai hoá và siêu nhiên hoá. Trong cộng đồng đó, mọi thành viên đều tham gia sáng tạo và thực hành các hoạt động văn hoá để tự thoả mãn nhu cầu văn hoá của mình. Ngày nay, chúng ta bước vào xã hội công nghiệp hoá - hiện đại hoá với mức độ phân công lao động cao, với cơ chế thị trường, với nền sản xuất, lưu thông, trao đổi hàng hoá và lối sống tiêu thụ cũng xuất hiện. Thêm vào đó, tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong lãnh vực truyền thông cũng góp phần không nhỏ vào quá trình làm giảm thiểu vai trò của cộng đồng, một môi trường không thể thiếu được trong đời sống xã hội nông nghịêp truyền thống.
Kết quả là văn hoá cổ truyền, trong đó có VHDG đã bị tước mất đi cơ sở xã hội vốn có của nó, nơi nó được sanh ra, tồn tại và phát triển. Nói khác hơn, nó không còn tồn tại một cách nguyên vẹn, một hệ thống văn hoá hoàn chỉnh như vốn có. Câu hò trên sông nước, trên đồng ruộng trong mùa cày cấy… sẽ đi về đâu khi trên sông vang đầy tiếng nổ của động cơ Kholer, BS…, hình ảnh con trâu cày ruộng, đám công cấy lúa đã được thay bằng máy cày, máy gieo sạ… Tiếng hát ru em không còn vẳng lên giữa trưa hè oi ả hay trong đêm khuya thanh vắng… vì người mẹ, người dì, người chị đã vào nhà máy, đến công tư sở, trường học, bà nội, bà ngoại đã ở riêng hoặc vào nhà dưỡng lão vì cơ cấu gia đình với ba, bốn thế hệ không còn nữa; vì trẻ em đang ngủ ở nhà trẻ, trường mẫu giáo trong tiếng nhạc ru phát ra từ đầu đĩa CD… Răng đen, ăn trầu… không còn phù hợp với quần jean, áo thun hở rún, váy đầm và ngoài chợ đã có bày bán trái cau, lá trầu bằng nhựa… Hình ảnh chiếc cầu khỉ, cầu tre, cây đa bến nước, đường làng rợp bóng cây xanh… chỉ còn là hoài niệm, khi tuổi trẻ hôm nay phóng xe như bay trên đường làng lót đan, cầu bê-tông, v.v… Và số phận cũng như ý nghĩa câu: Qua đình ghé nón trông đình. Đình bao nhiêu ngói, thương mình bấy nhiêu sẽ ra sao khi một số đình hiện nay được trùng tu với cột bê-tông và mái lợp… tôn! V.v…
Thực trạng trên cho chúng ta thấy rõ ràng là khi mất dần đi cơ sở xã hội ra đời, tồn tại và phát triển của mình, VHDG đang trải qua quá trình giải cấu trúc. Nó không tồn tại như một thực thể toàn vẹn. Nhưng nó không mất đi hẳn, những thành phần, yếu tố của nó đang được người đương thời chọn lọc và đưa nó tham gia vào một quá trình mới, quá trình tái cấu trúc trong văn hoá dân tộc đương đại (2).
4. Trong tình hình VHDG không còn là một hệ thống đúng nghĩa như vốn có mà chỉ là những yếu tố, những thành phần đã bị tách rời khỏi hệ thống đó, một số biểu hiện, một số hoạt động VHDG cổ xưa đã vĩnh viễn biến mất khỏi đời sống con người Việt Nam do tính lỗi thời của nó, như tục nhuộm răng đen (ở miền Bắc), vè, thơ rơi (ở Đồng Tháp, Nam bộ)… sắp đến là tục ăn trầu… chẳng hạn.
Hiện trạng này thể hiện qua mấy dạng:
- Mất đi cơ sở xã hội vốn có, VHDG gian phải trải qua quá trình giải cấu trúc để trở thành những yếu tố riêng lẻ.
- Một số yếu tố riêng lẻ này sẽ mất hẳn đi, vì lỗi thời.
- Một số khác, nhứt là trong các loại hình diễn xướng có điều kiện tồn tại, tham gia vào quá trình cơ cấu mới của trong nền văn hoá đương đại.
Chúng ta cũng nhận biết rằng, trong hệ thống VHDG, như trên đã trình bày là mỗi hoạt động, mỗi loại hình của nó đều được hình thành trong một hoàn cảnh xã hội nhứt định, ở một vùng/miền nào đó, nên khi ra đời, nó đều gắn liền với một chức năng, một vị trí xã hội, một hình thức cụ thể.
Do đó, trong hoạt động bảo tồn và phát huy VHDG, chúng ta có thể tận dụng các đặc điểm này để chuyển đổi chức năng, vị trí và hình thức của nó trong quá trình tái cấu trúc để đưa nó vào nền văn hoá dân tộc đương đại, cụ thể như:
- Dù ngày nay chức năng ru cho em bé ngủ (trong hát ru em), chức năng làm vơi đi mệt nhọc khi cấy lúa, chèo ghe của hò… không còn, nhưng những bài hát ru em, những câu hò, điệu hò… vẫn còn đó với tư cách là những tác phẩm sáng tạo nghệ thuật chuyển tải tâm tư, tình cảm con người. Như vậy là chúng ta vẫn còn sử dụng được chức năng sáng tác của chúng. Sáng tác chính là chức năng mới của chúng.
Cũng vậy, tục múa bóng hay bóng rổi trong lễ cúng miếu (ngoài xã hội), cúng trang (trong gia đình), ngày nay cơ sở xã hội vốn có của nó ngày một mất dần đi, nhưng điệu nhạc, điệu múa nghi lễ của nó, chúng ta có thể sử dụng để biểu diễn trong các cuộc vui chơi, các tổ chức lễ hội đương đại có tiết mục văn nghệ, còn lời hát, câu ca của nó chúng ta có thể sáng tác mới sao cho phù hợp với hoàn cảnh, với mục đích yêu cầu của buổi lễ, giống như các nghệ nhân múa bóng đã từng sáng tác trước đây. Có thể nói, chúng ta vừa thay đổi chức năng vừa thay đổi hình thức của tục bóng rổi.
- Khi nó mang chức năng mới, hoà vào nền văn hoá đương đại, vị trí xã hội của nó cũng thay đổi, mang vị trí và ý nghĩa mới trong đời sống con người.
- Đối với các sản phẩm tiểu thủ công, mỹ nghệ của những làng nghề truyền thống muốn tồn tại, phát triển và hoà nhập vào nền kinh tế thị trường hôm nay, phải thay đổi mẫu mã, phải thêm bao bì, nhãn mác… Sự thay đổi hình thức này cũng xuất hiện ở các nghi lễ cúng tế, như rút ngắn thời gian tế lễ, giảm bớt nghi thức. Như trong tục cúng đình, trước đây khi lệ cúng kỳ yên thường kéo dài ba ngày, có nơi lâu hơn nữa kèm theo hát bội, còn lệ cúng hạ điền, thượng điền lúc tế thần phải có học trò lễ; ngày nay hát bội và học trò lễ ngày càng vắng bóng trong các buổi lễ trọng này.
Tóm lại, trong tình hình hiện nay, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa cổ truyền trong đó có VHDG là một việc cần thiết phải làm. Song trước hết phải thấy rằng văn hoá bao giờ cũng là kết quả sáng tạo của toàn dân, nên trong công việc bảo tồn, phát huy và truyền lại cho thế hệ trẻ di sản quý báu này, sự tham gia của toàn thể cộng đồng là không thể thiếu được. Bảo tồn và phát huy VHDG là công việc có nhiều công đoạn, đòi hỏi phải tốn nhiều thời gian, công sức của toàn xã hội. Nhưng trước khi bàn đến việc chuyển đổi chức năng, vị trí và hình thức của VHDG, phải cấp bách tổ chức một cuộc sưu tầm quy mô, nhằm sưu tầm tất cả những hoạt động, biểu hiện, hiện tượng mà ngày nay còn có thể sưu tầm được bằng phương tiện hiện đại, rồi tập trung chúng lại dưới dạng ngân hàng lưu trữ tư liệu, làm cơ sở cho các bước tiếp theo. Nếu không có cơ sở này, công việc bảo tồn và phát huy sẽ khó thực hiện và chúng ta, những người của thế hệ hôm nay phải chịu trách nhiệm về việc này trước hậu thế.
Trích nguồn:
http://vannghedongthap.vn/?id=d&u=news&su=detail&fid=47&idnn=1193
|
Thứ Năm, 3 tháng 10, 2013
VĂN HÓA DG ĐỒNG THÁP- BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét